''Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình…''
Ngày tạo: 18/05/2020 - By Admin
Suy nghĩ ấy lại đến từ một người nông dân mới học hết lớp 5 ở cái nơi mà sự nghèo khó vẫn còn là nỗi trăn trở thường trực như Đam Rông… “Siêng năng chăm chỉ là yếu tố quyết định”
Khi nghe chúng tôi nhắc đến Cil Ha K’Ròng (Thôn 3, xã Liêng S’rônh), cán bộ ở xã, huyện đều gật gù, tấm tắc và nhắc đi nhắc lại về tấm lòng của ông. Ông ấy là người cho hàng xóm đất làm nhà, cho người nghèo vay tiền làm ăn, và cũng là người vừa mới năm vừa rồi thu được tới 26 tấn cà phê…
Ha K’Ròng kể ngày chuyển từ Lâm Hà về đây ông cũng chẳng có gì trong tay ngoài sức khỏe và tuổi trẻ. Và rồi từng giọt mồ hôi thấm đất, đất nở hoa, đem lại quả ngọt. Những ngày khai hoang, gieo từng hạt lúa rẫy đã xa rồi. Từ những cây cà phê đầu tiên nay ông đã sở hữu 10 ha, trong đó có 7 ha đang ở giai đoạn kinh doanh, 3 ha trồng mới xen canh gần 300 cây sầu riêng 4 năm tuổi.
Trồng cà phê ở Đam Rông không dễ dàng như Lâm Hà hay Di Linh. Bao năm nay vẫn thế, người ta vẫn thấy ông cần mẫn, chăm chỉ đi tới đi lui thăm vườn. Ông bảo phải vào thăm thường xuyên thì mới biết cây phát triển ra sao, đang mắc phải vấn đề gì rồi còn tìm cách mà tháo gỡ. Người ta chỉ biết năm rồi ông thu được 26 tấn cà phê, sau khi bán, trừ chi phí thì cũng còn được gần 500 triệu đồng.
Nhờ vậy, mà ông trở thành tấm gương cho cộng đồng người K’Ho ở Liêng S’rônh nói riêng và cả huyện Đam Rông nói chung. Ông bảo mình khi ấy không có trình độ, cũng chẳng có vốn để đầu tư nên trước tiên cứ phải siêng năng, cần cù trong lao động. “Mình nghèo thì cũng phải xác định được nguyên nhân là do đâu. Do thiếu đất, do thiếu công lao động hay thiếu tiền đầu tư? Trường hợp mình không được đi học nên không biết cách làm sao áp dụng khoa học kỹ thuật thì mình cần phải có một đức tính siêng năng lao động trước đã. Từ từ rồi quan sát, học hỏi xung quanh xem người ta làm thế nào, trồng cây, nuôi con gì hiệu quả” - ông vẫn thường nói thế khi tham gia vận động bà con hàng xóm trong làm ăn, phát triển kinh tế.
Biết nhà nào khó khăn nhưng chăm chỉ làm ăn, có ý chí vươn lên, ông Ha K’Ròng cũng không ngần ngại lấy số tiền dành dụm được trong nhà cho vay, người ít thì 5 triệu đồng, người nhiều thì 50 triệu đồng.
Theo nhẩm tính sơ sơ của ông, số tiền cho bà con vay cũng lên đến gần 500 triệu đồng. Có những người đã vay của ông 10 năm vẫn chưa có điều kiện để trả. Hỏi ông có sợ người ta không trả mình không, ông cười lắc đầu. Ông bảo: “Mình không thể chỉ sống riêng cho mình, biết người ta khó khăn mình phải giúp đỡ. Mình còn có đất sản xuất, ông trời còn cho mình sức khỏe để làm thì có gì đâu mà phải lo”.
“Cầu nối” của cộng đồng
“Khi đó dẫu trẻ tuổi nhưng ông Ha K’Ròng đã nổi tiếng là người chịu khó làm ăn, biết tiết kiệm. Ông cũng chẳng giấu giếm mà sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, chỉ cho bà con kỹ thuật canh tác làm sao để cải thiện cuộc sống, dần dần nâng cao thu nhập. Chính vì vậy mà tiếng nói của ông có giá trị, được bà con tín nhiệm để gửi gắm tâm tư, tình cảm. Cũng nhờ thế mà hiện nay, Thôn 3 là thôn có kinh tế phát triển đồng đều nhất, thu nhập của bà con tăng lên, cái đói, cái nghèo dần dần lùi xa”, bà Ka Rim - Phó Chủ tịch UBND xã Liêng S’rônh nói.
Mới 28 tuổi, Cil Ha K’Ròng được bà con tin tưởng bầu làm trưởng thôn, 10 năm sau họ tiếp tục bầu ông làm già làng. Nhưng đã từ rất lâu, khi còn là cậu thanh niên mười tám, đôi mươi, Ha K’ròng đã ngồi hàng giờ bên bếp lửa, lắng nghe lời kể từ các bậc già làng đi trước. Những câu chuyện từ gần 200 năm về trước, khi người K’Ho từ chân núi Lang Biang đến vùng đất này, sau những biến cố, thăng trầm trong lịch sử cho đến những lần di dân để ổn định cuộc sống… cứ thế in đậm mãi trong tâm trí.
Ông Ha K’Ròng tâm sự: “Mình phải nghe để sau này còn truyền lại cho con cái dù có thể không nhớ được toàn bộ những lời của ông bà xưa chỉ dạy. Đây là trách nhiệm của một người con của buôn làng. Nhưng mình cũng xác định sống trong xã hội hiện đại ngày nay, cái gì đúng thì mình duy trì, cái gì sai, lạc hậu thì mình phải bài trừ, hủy bỏ”.
Trong làng, trong thôn xảy ra bất cứ chuyện gì, từ đám cưới, tranh chấp đất đai, cãi vã, ly hôn… ông đều cùng trưởng thôn có mặt, trước hết là để tìm hiểu, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của bà con. Ông cũng từng được đi nhiều nơi, đặt chân đến các miền gian lao như Trường Sa, được nghe những câu chuyện về lời dạy của Bác, về tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Thế là càng có thêm những dẫn chứng, những lời nói đi sâu vào lòng người mỗi khi cần hòa giải, khuyên can bà con.
“Từ lúc được bầu trưởng thôn cũng như khi bầu làm già làng, ngoài Ha K’Ròng ra thì chẳng có ai đáp ứng đủ tiêu chuẩn và ông ấy cũng không phụ lòng mong mỏi của bà con. Bất cứ nhà nào có chuyện gì không hay xảy ra ông ấy luôn là người có mặt đầu tiên. Những vấn đề ở thôn thì già làng nắm bắt, còn những chủ trương, chính sách của Nhà nước, Chính phủ thì trưởng thôn thông báo, kết hợp với già làng để cùng vận động bà con. Xưa nay đều như thế và luôn phát huy hiệu quả”, Ông Brajan Ha Blah - Trưởng Thôn 3 cho biết thêm.
Những tấm giấy khen, bằng khen của UBND tỉnh hay các ngành, các cấp được ông cẩn thận treo trong nhà cũng chính là những ghi nhận cho đóng góp của một người con K’Ho cho cộng đồng, cho xã hội. Nhưng cuộc đời ông vẫn có điều luyến tiếc, rằng 4/5 đứa con của mình chỉ học hết lớp 12, không thể học cao, hiểu rộng, có trình độ như bao người khác. Tuy vậy, ông vẫn dạy con cái mình, như cái cách đã vận động bà con, mình phải chăm chỉ, siêng năng thì mới có thể vươn lên làm chủ cuộc sống của chính mình.
Các bài viết khác