Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Đơn Dương
Ngày tạo: 20/05/2020 - By Admin
Nhìn lại 5 năm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, huyện Đơn Dương đã đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Từ năm 2015, Đơn Dương được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới. Ngay sau đó, UBND huyện Đơn Dương đã xây dựng và ban hành Đề án giữ vững và tiếp tục nâng cao chất lượng huyện nông thôn mới giai đoạn năm 2016 - 2020. Đến năm 2018, huyện Đơn Dương đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn năm 2019 - 2025. Triển khai thực hiện đề án này, UBND huyện Đơn Dương “đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, năng động, sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương để nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các xã...”. Trong đó, huyện Đơn Dương xác định các tiểu vùng phát triển rau - hoa công nghệ cao (các xã Lạc Lâm, Lạc Xuân, Quảng Lập, Ka Đô); mở rộng chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa (các xã Tu Tra, Ka Đơn, Pró, Đạ Ròn).
Theo định hướng đó, huyện Đơn Dương đã tổ chức 200 lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho 6.000 lượt nông dân ở các xã Lạc Lâm, Lạc Xuân, Quảng Lập, Ka Đô. Ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất thông qua các lớp tập huấn sau 5 năm qua, nông dân huyện Đơn Dương đã phát triển 40 ha diện tích đất sản xuất điều khiển tự động nhiệt độ, ánh sáng; 10 ha diện tích canh tác không sử dụng đất; 608 ha được cấp Chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP... Ngoài ra, nhiều hộ nông dân huyện Đơn Dương còn ứng dụng hiệu quả công nghệ ghép tạo cây giống mới, lắp đặt thiết bị cảm biến kết nối vạn vật, xây dựng hệ thống kho lạnh bảo quản sản phẩm sau thu hoạch; sử dụng công nghệ thông tin để quản lý hệ thống tưới tự động kết hợp với bón phân nhỏ giọt…
So sánh trong 5 năm qua, diện tích rau, hoa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Đơn Dương tăng từ 6.845 ha lên 10.486 ha, chiếm 89% tổng diện tích canh tác. Trong đó, đáng kể các giải pháp sản xuất trong nhà kính, nhà lưới (2.240 ha); tưới tự động, nhỏ giọt (8.173 ha). Trung bình mỗi năm tăng năng suất cây trồng từ 3 - 5%. Toàn huyện Đơn Dương đang duy trì và phát triển hoạt động 28 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, chiếm tỷ lệ hơn 30% tổng sản lượng. Đến nay giá trị sản xuất trong tái cơ cấu cây trồng rau, hoa ở huyện Đơn Dương đạt bình quân 250 - 300 triệu đồng/ha/năm, đặc biệt ngày càng xuất hiện nhiều mô hình đạt hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.
Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Đơn Dương đã lồng ghép các chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu để tổ chức đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ thú y cơ sở lành nghề, từng bước đáp ứng yêu cầu hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân phát triển chăn nuôi bò sữa ứng dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật tiên tiến, đầu tư trang thiết bị công nghệ lai tạo giống đạt chất lượng cao. Tính đến đầu năm 2020, tổng đàn bò sữa toàn huyện Đơn Dương đạt 14.300 con, tăng 33,8% so với năm 2015. Sản lượng sữa mỗi ngày khai thác bình quân đạt 134 tấn, tương ứng với tổng doanh thu gần 1,7 tỷ đồng. “Việc hình thành liên kết theo chuỗi giá trị từ chăn nuôi bò sữa đến thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sữa tươi đã giúp các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định. Từ đó người chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Đơn Dương yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất ổn định, bền vững…”, UBND huyện Đơn Dương nhận định.
Kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong 5 năm qua, huyện Đơn Dương đã góp phần đạt tăng trưởng GDP hàng năm 8,6%, tăng 0,1% so kế hoạch. Trong đó, ngành nông, lâm, thủy sản đạt 7,3%.
Tiếp tục phát huy những giải pháp đồng bộ và hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng công nghệ cao theo hướng thông minh, góp phần sớm đạt được các chỉ tiêu dự báo khả quan đến cuối năm 2020 của huyện Đơn Dương gồm: Giữ vững 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó chiếm tỷ lệ 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; tỷ lệ 37,5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh. Điển hình đến cuối năm 2020, cây trồng chủ lực (cây rau) sẽ đạt tổng diện tích gieo trồng 27.060 ha, vật nuôi chủ lực (bò sữa) đạt 15.065 con, tăng tương ứng so với năm 2015 là 3.180 ha rau và 4.453 con bò sữa…
Các bài viết khác