Mắc ca ở Di Linh
Ngày tạo: 20/09/2019 - By Admin
“Năm 2019, diện tích mắc ca trồng xen ở huyện Di Linh là 1.000 ha và sẽ tiếp tục tăng lên 1.300 ha vào năm 2020. Ðến năm 2030, Di Linh sẽ đạt 4.710 ha mắc ca trồng xen theo như quy hoạch phát triển cây mắc ca trên địa bàn huyện. Từ cây trồng khảo nghiệm
Ông Nguyễn Văn Bắc (xã Hòa Bắc) kể lại rằng, một lần xem ti vi, ông tình cờ nghe chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng nói về cây mắc ca trên kênh VTV2. Tò mò vì một giống cây mới, ông Bắc quyết định tìm hiểu “nó là loại cây gì?”. Qua những kênh thông tin khác nhau, ông biết ở huyện Đức Trọng có người bán cây giống mắc ca, thế là mua về trồng. “Thời điểm đó, năm 2010, tôi mua 40 cây mắc ca về trồng xen trong vườn cà phê gia đình. Nói chung là trồng theo kiểu khảo nghiệm, vừa trồng vừa theo dõi, vì đây là loại cây mới, mình chưa có kinh nghiệm gì”, ông Bắc thật lòng.
Trước ông Bắc, ông Mai Văn Hổ (xã Hòa Bắc) cũng chỉ vì tò mò nên mua 50 cây mắc ca về trồng xen trong vườn cà phê. “Đó là năm 2009, tôi bắt đầu trồng mắc ca. Bấy giờ, tôi trồng mắc ca như trồng cây rừng. Giá trị của loại cây này ra sao, cách chăm sóc nó như thế nào, tôi cũng không hề biết”, ông Hổ nhớ lại, rồi nói tiếp: “Thậm chí, đến lúc cây cho thu hoạch, tôi còn không biết bán cho ai. Sau này, khi thị trường mắc ca lớn dần, tôi mới biết giá trị kinh tế mà loại cây này mang lại cho người trồng là không hề nhỏ”.
Theo ông Hổ, vì là cây rừng nên mắc ca rất dễ trồng, dễ chăm sóc. mắc ca có sức kháng chịu sâu bệnh cao, sinh trưởng tốt, chi phí đầu tư thấp, rất phù hợp với việc trồng xen trên diện tích đất trồng các loại cây khác. Mỗi năm, mắc ca thu hoạch 2 - 3 vụ. Ông Bắc thừa nhận, trồng mắc ca còn có thêm cái lợi, đó là nguồn thu từ các loại cây khác ở dưới tán, bên cạnh nguồn thu từ chính cây mắc ca. “Qua khảo sát, đánh giá, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh nhận thấy cây mắc ca là loại cây trồng thích hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Nhiều diện tích mắc ca phát triển tốt, đã cho thu hoạch đạt năng suất cao. Khâu tiêu thụ sản phẩm thuận lợi và giá bán cũng khá cao”, bà Đặng Thị Hằng, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh cho biết.
Ðến cây có giá trị kinh tế cao
Số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh cho hay, trên địa bàn huyện Di Linh hiện có 860 ha mắc ca trồng xen. Trong đó, 110 ha mắc ca đang ở giai đoạn kinh doanh với năng suất đạt 1,2 tấn/ha.
Hiện, 19 xã, thị trấn trong huyện Di Linh đều có người trồng mắc ca.
Ngoài ra, huyện Di Linh còn có hơn 10 cơ sở thu mua hạt Mắc ca và 2 cơ sở thu mua, chế biến hạt mắc ca số lượng lớn. Ông Lê Văn Trường, Chủ nhiệm Hợp tác xã Liên kết mắc ca Di Linh (xã Đinh Lạc), chia sẻ: “Mỗi năm, tôi thu mua 70 - 80 tấn mắc ca của 33 thành viên trong Hợp tác xã Liên kết mắc ca Di Linh và khoảng 80 tấn mắc ca từ các hộ trồng mắc ca khác trên địa bàn Đức Trọng, Bảo Lâm, Bảo Lộc... để chế biến, đóng gói, rồi đưa ra thị trường”. Trong khi đó, Công ty TNHH Mắc ca Việt (xã Hòa Trung) mỗi năm cũng xuất bán trên 60 tấn mắc ca thành phẩm ra thị trường.
Rõ ràng, với một thị trường được mở rộng như hiện nay, việc tìm đầu ra cho hạt mắc ca dần trở nên đơn giản. Ông K’Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đinh Lạc bày tỏ: “Bây giờ, vào mùa thu hoạch mắc ca, người dân chỉ việc hái trái rồi mang đi bán cho các cơ sở chế biến. Thậm chí, hạt mắc ca có bẩn một chút cũng chẳng sao. Giá bán khá cao (90.000 - 110.000 đồng/kg mắc ca tươi), khâu tiêu thụ sản phẩm lại dễ dàng, nên người dân rất phấn khởi”. Ông Hổ thì khẳng định: “Nếu trồng đúng giống có chất lượng tốt và chăm sóc một cách bài bản, thì 1 cây mắc ca sẽ có giá trị kinh tế bằng 2 tạ cà phê”.
Các bài viết khác